Phóng viên Vỉa Hè - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phỏng vấn về Công văn số 7169 /VPCP-NC Xử lý các trang mạng đăng tải thông tin bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước
Phóng viên: Hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, sự lên tiếng của đồng chí nhân dịp đầu năm mới, kịp thời phê phán nội dung giáo dục thiên về lý thuyết, nặng về “dạy chữ”, chưa quan tâm đúng mức về “dạy người”, đã cho thấy một thủ tướng quyết đoán lại đi đầu trong việc phát ngôn về mọi lĩnh vực của đời sống. Có phải sau những trải nghiệm trong đời họat động và làm thủ tướng bước sang nhiệm kỳ 2, đồng chí bất chợt lưu ý xã hội chú trọng hơn nhân cách của con em mình?
Nguyễn Tấn Dũng (trầm ngâm): Đồng chí đã đề cập đúng vào tâm tư sâu lắng của cá nhân tôi, bởi suốt đời tôi luôn quan niệm rằng việc làm còn phải được lời nói quý như vàng ròng phù trợ, một cách nôm na, dám ăn và phải dám nói nữa. Trưởng thành từ những môi trường khác nhau của thực tế cách mạng, tôi không có điều kiện học hành luận lý cho ra môn ra khoai, chưa kịp trui rèn con mắt nhìn biện chứng và khách quan như đồng chí Tổng Bí thư. Nhưng chính những lúc cách mạng gặp khó khăn, nước sôi lửa bỏng, tôi luôn có tiếng nói đột phá khẩu giải tỏa bức xúc xã hội và động viên quần chúng tiến tới. Sau sự kiện Trung quốc lỡ cắt cáp tàu Bình Minh 02, đồng chí còn nhớ, tại Hà Nội năm 2011 bung ra hơn chục cuộc biểu tình lớn nhỏ. Một mặt tôi chỉ huy công an bắt bớ và triệt hại những phần tử chống đối hoặc gây rối, kịp thời chỉ đạo Bộ Công an dự thảo Luật biểu tình, mặt khác, khi mọi người còn dụi mắt ngỡ ngàng trước màn hình, tôi dõng dạc tuyên bố về chủ quyền rằng lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Tùy tình thế điều chỉnh lại lập trường, ngày 20.09.2012 trong cuộc gặp gỡ đồng chí Phó Chủ tịch nước CHDCND Trung Hoa, khẳng định tình hữu nghị anh em do hai lãnh tụ Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông dày công vun đắp, tôi đã báo cáo lên đồng chí Tập Cận Bình rằng nỗ lực không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai nước là chủ trương nhất quán, lâu dài mang tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam. Coi như bỏ quá vài ba động thái khiêu khích sai lệch đường lối với Việt Nam ngay sau tuyên bố đáp lời của đồng chí Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, ngày 21.09.2012, phía bạn đã rất phấn khởi cho Tân Hoa Xã loan báo tin vui cho nhân dân hai nước biết rằng Việt Nam – Trung Quốc đồng ý nhiều thỏa hiệp quan trọng về biển. Trong tương lai gần đây, vấn đề tranh chấp biển Đông sẽ được giải quyết êm thấm, để chỉ trong môi trường hòa bình hữu nghị, con em chúng ta mới phát triển được thành người xây dựng non sông vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh, vốn đòi hỏi rất cao về đạo đức cách mạng, đã từng thiết tha nhắn nhủ. Ta chưa hoàn thiện được sự nghiệp trồng người cũng vì sự nghiệp giáo dục còn dở dang, bất cập. Cải cách giáo dục, được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Chính phủ, vẫn đang tiến triển chưa thu được kết quả tích cực. Nhận ra khiếm khuyết đó về mặt con người, trong chuyến thăm trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tôi nhấn mạnh vấn đề nhân cách là vì thế. Nhân cách- sự nghiệp cách mạng xây dựng chủ nghĩa xã hội cần nhân cách hơn bao giờ hết- phải biểu lộ sự mạnh mẽ, tính quyết đóan trong hành động và lời nói.
Phóng viên: Dựa trên cơ sở nào đồng chí Thủ tướng luôn có những tuyên bố đột phá khẩu như vậy?
Nguyễn Tấn Dũng: Lời nói được củng cố bằng quyền lực. Được sự hậu thuẫn của Đảng, tôi nắm quyền chỉ đạo các cơ quan an ninh, võ trang bảo vệ quyền lực đó. Bản lĩnh cách mạng rèn giũa tính kiên cường con người chiến sĩ trong chiến tranh giúp cho tôi nhận thức vai trò lãnh đạo mạnh và quyết đóan trong thời bình, khi bộ phận không nhỏ trong nhân dân thóai hóa về phẩm chất cách mạng. Kinh nghiệm lãnh đạo độc trị của Đảng ta cùng với Đảng cộng sản Trung quốc, Đảng Lao động Triều Tiên và Đảng Nhân dân Hành động Singapore, có thể coi là những giá trị Châu Á, đã giúp tôi đạt những kết quả đáng tự hào trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.
Phóng viên: Ở chỗ này đồng chí hơi vơ vào vì lãnh đạo nhà nước Singapor phi cộng sản có chính sách rất minh bạch và đảng độc tôn cũng chịu sự chì trích của các đảng đối lập trong chế độ đại nghị có sự họat động của nhiều đảng phái…
Nguyễn Tấn Dũng: Tôi cho rằng Đảng ta hơn các đảng độc tài đó nhiều vì Đảng ta từ nhân dân mà ra và vì nhân dân quên mình phục vụ. Chính vì có sức mạnh đó tôi đã dẹp bỏ mọi tiếng nói phê phán chỉ trích của các thế lực phản động và thù nghịch trong và ngòai nước. Tôi cho dẹp Viện nghiên cứu Độc lập IDS, bỏ tù Cù Huy Hà Vũ dám kiện cả Thủ tướng, bỏ tù nhóm ngôn luận Thái Bình, Hải Dương, Hà Đông, tước tự do Nguyễn Xuân Đài, Lê Thị Công Nhân, tống giam Bùi Thị Minh Hằng, Phạm Thanh Nghiên, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, và 17 thanh niên Thiên chúa giáo. Đúng ngày hôm nay, như đồng chí thấy, dưới sự chỉ đạo sát sao của tôi, các blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do đã nhận những bản án đích đáng. Đây là một tín hiệu cảnh cáo mọi blogger cổ vũ cho tự do, dân quyền, dân chủ, rằng các anh có thể bị bắt giam, bắt cóc bất cứ lúc nào. Trong chuyến đi Nam Ninh vừa qua, Bộ Công an đề nghị tôi chở thêm một xe tải bao cao su Trung quốc về dùng, nhưng tôi thấy thứ đó hiện thời không còn cần thiết nữa, bắt cóc tiện hơn. Khi tất cả phần tử phản động và các thế lực thù địch im tiếng, nhân dân chỉ còn nghe tiếng nói của tôi vang vọng khắp đất trời, tôi tập trung tòan tâm tòan ý triển khai thành công những biện pháp điều hành kinh tế kinh tế vĩ mô song song với những vụ bắt bớ và kiểm điểm nội bộ.
Phóng viên: Có phải vì chỉ nghe thấy tiếng nói của mình phát ra từ yết hầu quyền thế khiến đồng chí bỏ ngòai tai không nghe lời khuyên nhóm giáo sư Harvard đã cảnh báo trước hậu quả từ sự trục lợi của các nhóm đặc quyền có ảnh hưởng chính trị lớn đang biến của công thành của riêng. Hậu quả quản lý kinh tế vĩ mô của đồng chí đứng đầu nhóm lợi ích ưu tiên các công ty dựa vào các mối quan hệ chính trị hơn là kết quả thành công trong kinh doanh và sản xuất để lại cho đất nước lâm vào khủng hỏang, lạm phát, là Vinalines, Vinashin với món nợ hàng nhiều tỷ cùng bao quả đấm thép bị rút ruột chẳng khác gì bê tông bị rút lõi thép còn trơ lại vữa?
Nguyễn Tấn Dũng: Khi tôi cho xây dựng những tập đòan công ty nhà nước đủ mạnh làm trụ cột đỡ cho nền kinh tế nước ta cất cánh, tình hình kinh tế thế giới rất nhiều biến động bất lợi với những cuộc khủng hỏang về tài chính, chứng khóan liên miên xảy ra từ Mỹ sang Tây Âu. Quản lý còn yếu kém bất cập còn có nguyên do thiếu hiểu biết về tài chính, tiền tệ. Hồi làm y tá, sống trong rừng, có khi nhiều năm trời tôi chẳng biết gì đến tiền ấy chứ, nói gì đến đến chuyện phải tiêu tiền ra sao. Ra tay điều hành vừa làm vừa nói, tôi mới hiểu biết thấu đáo về tiền tệ và nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Hẳn sau cuộc chỉnh đốn và phê bình trong Đảng lần này tôi sẽ cơ cấu lại nền kinh tế và bọc lại những quả đấm vữa bằng sắt thép bên ngoài!
Phóng viên: Chưa quen tiêu tiền ở một nền kinh tế thị trường sao đồng chí lại có nhu cầu tích cóp cho gia đình một tài khỏan khổng lồ như vậy. Con cái của đồng chí nắm giữ những vị trí then chốt trong hệ thống ngân hàng, tài chính và xây dựng. Đồng chí nói một đằng, làm một nẻo, hứa trước quên sau, đánh trống bỏ dùi, trừ việc khủng bố người phê phán mình là đến nơi đến chốn. Khoan nói sâu thêm về những việc đồng chí làm. Khi tái nhậm chức thủ tướng đồng chí tuyên bố, nếu không trừ được tệ nạn tham nhũng, tôi xin từ chức hoặc khi đồng chí cả quyết „tôi chưa làm điều gì sai…tôi không có lỗi gì cả“, thì liệu rằng những lời nói bừa có cho nhân dân đang trông chờ nhân cách, thấy lấp ló một thủ tướng cuội, gian và lại tham nữa hay chăng, thưa đồng chí?
Nguyễn Tấn Dũng (trợn mắt): Tôi cấm đồng chí dùng những điều tiêu cực phát tán trên các trang phản động đã đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo, kích động chống Ðảng và Nhà nước, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội. Về vấn đề nổi cộm này, tôi vừa ra công văn xử lý các trang mạng Dân Làm Báo, Quan Làm Báo và Biển Đông để răn đe bắt bớ kẻ nào thích tự do suy nghĩ. Yêu cầu đồng chí hãy lấy thông tin về tôi, về gia đình tôi trên 700 tờ báo của nhà nước. Nền báo chí cách mạng của ta với những nhà báo vĩ đại như Nguyễn Như Phong, Hữu Ước, Vũ Duy Thông… luôn tiến công các lực lượng phản động, xây dựng hình ảnh đẹp về lãnh đạo cách mạng Việt Nam khiến Saddam Hussein hay Gaddafi sinh thời còn nể phục. Nhân ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, đồng chí Đinh Thế Huynh và các nhà lãnh đạo khác đã kịp thời uốn nắn tư tưởng, định hướng dư luận để nền báo chí nước ta đạt những thành tựu rực rỡ hơn nữa.
Phóng viên: Công cuộc cải cách chính trị, có thể khởi xướng trong tầm tay của lãnh đạo đảng cộng sản họat động trên luật pháp, chỉ có thể có kết quả thực như lời họ hứa khi nó không tránh né những vấn đề hệ trọng về sở hữu và quyền lực. Từ 1945 đến nay, sở hữu toàn dân đích thực chỉ là sở hữu tài sản quyền lợi và tất cả những gì thuộc về toàn dân. Vài tờ báo tự do ngòai luồng bị liệt vào danh sách đen hé lộ xung đột của các nhóm lợi ích đang xâu xé nhau, không nhóm nào ra thông điệp chịu trả lại quyền lực cho nhân dân dù một ly một tý. Theo đồng chí có hay không tình trạng bè cánh tranh giành quyền lợi như vậy đang lục đục trong Bộ Chính trị?
Nguyễn Tấn Dũng (rút dùi cui): Việc phê bình hoặc đặt vấn đề đưa họat động của Đảng vào luật pháp là vi phạm Hiến pháp xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta. Nếu có sai trái gì chúng tôi đã đóng cửa bảo nhau. Tuy nhiên, sát cánh cùng với đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, tôi thống nhất với các đồng chí đó ở quan điểm rằng, quyền lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản với nhân dân Việt Nam, độc quyền định đọat tiền đồ, tài sản dân tộc Việt Nam thuộc về lợi ích cốt lõi, là chủ quyền không thể tranh cãi!
Phóng viên: Các nhà quân vương xưa còn nuôi hề rồi khóai trá nghe lời cợt nhả. Vài vị độc tài thời hiện đại còn thích thú nghe lời văn nhân báng nhạo, tại sao đồng chí lại hẹp hòi với người chỉ trích? Vì đồng chí tự mãn ngạo ngược nên khó giấu tin đồn thổi. Rất nhiều người đang kể chuyện đàm tiếu về đồng chí và gia tộc, đồng chí chống đỡ sao đây?
Nguyễn Tấn Dũng (nheo mắt): Đồng chí thử nghĩ xem, có người lãnh đạo nào trong phe XHCN chúng ta, bận lòng vì tương lai nhân lọai, lại thèm bận tâm về những điều không nghiêm túc. Ai đàm tiếu, ai sưu tầm những chuyện tiếu lâm về tôi, mặc họ. Về phần mình tôi huy động công an thu gom cho bằng hết những kẻ đàm tiếu về tôi.
Phóng viên: Người biểu tình vì chủ quyền lãnh thổ, kẻ thiết tha vì vận mệnh quê hương giống nòi đều bị đồng chí đưa vào diện tù nhân dự khuyết cả. Nếu thu gom hết, đất nước sẽ chẳng còn. Có ngày nào đồng chí nghĩ tới việc phải rời bỏ mảnh đất này mà đi?
Nguyẽn Tấn Dũng (đứng dậy múa): Đã từng ăn nhiều cao lương mĩ vị của Trung quốc, sâm nhung Bắc Triều tiên nhưng thật tình tôi chỉ thích ở Việt Nam ta thôi. Thời trai trẻ ăn tay gấu, óc hầu, lúc xế chiều uống rượu đánh cờ, nghe đàn cò, nhạc tài tử và xem trẻ em múa hát, đầu xuân thăm lại ngôi trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã từng đến huấn thị năm xưa, lúc rảnh rỗi cùng các đàn em chiến hữu xưa kia đi hát karaoke nhạc đỏ, tôi thấy cuộc đời xế bóng mở ra lối sống giản dị mà thanh cao không kém cuộc đời trong sáng của nhiều vị lãnh tụ tiền bối.
Phóng viên: Cũng chính tại ngôi trường trên, đồng chí đến thăm rồi lại đi, đoàn nhà báo chúng tôi có hỏi han sự tình các em. Chúng tôi nhấn mạnh ý đồng chí căn dặn Đảng là Mẹ, Bác là Cha, và nay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đích thực là Chú của các em, hỏi vậy mai sau các em phấn đấu thành người nào. Sau một hồi im lặng, các em cùng thổ lộ, nếu vậy chỉ muốn mồ côi toàn tòng thì mới nên người được. Đồng chí có nghĩ rằng sự tùy tiện tác quyền trong hành động và vô trách nhiệm trong lời nói, không hề giải tỏa bức xúc, trái lại gây thêm căng thẳng bất ổn trong xã hội - và đến lúc nào đó căng thẳng này chất lên chính xác thân các nhà độc tài cai trị bằng bàn tay thép - ép họ phải nhọc nhằn khôn lê qua được cửa cống hay chăng?
Nguyễn Tấn Dũng: Biến động, nếu có xảy ra ở đất nước này chỉ có thể là phản cách mạng mà tôi tin rằng, đứng đằng sau cuộc phản cách mạng đó là các phần tử tay sai đế quốc, các thế lực phản động và thủ nghịch. Tôi và gia đình tôi luôn được nhân dân yêu mến, chúng tôi xin tỵ nạn trong lòng nhân dân!
09.2012- PVVH
Blog Phạm Kỳ Đăng dành trang lớn giới thiệu các nhà thơ danh tiếng của nền văn chương Đức.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Làm gì đây với Pushkin
Marcel Reich-Ranicki Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...
-
Georg Paul Hefty (1) Tranh của © Franz Marc (1880-1916), họa sĩ Biểu hiện Đức. Một tường thuật cảm xúc phác ra vào một buổi sáng đ...
-
Kurt Drawert Tranh của © August Macke (1887-1914), họa sĩ Đức Là một trong những bài thơ ngắn nhất của văn chương thế giớ...
-
Durs Grünbein Ngày hôm nay thơ thể ballad (1) xem như đã chết. Một trong những đại diện cuối cùng, hay nhất và gây tác động mạnh nhất...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét