Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Phòng các cô gái không khóa cửa

Marcel Reich-Ranicki

Sự tàn lụi của cuộc đời không phải là gánh nặng. Bài thơ  Nếu hoa hồng nở vĩnh viễn đê mê trong hạnh phúc trần gian (Frankfurter Allgemeine Zeitung).

 
Tranh của © Edvard Munch (1863-1944) họa sĩ Na Uy
 

Cuối thế kỷ 19, Hebbel đã được xem như tác giả cổ điển Đức cuối cùng, trẻ nhất. Nhiều tác phẩm từ ngòi bút của ông được xem trọng, rất nhiều thứ là khác, ngay cả nhật ký cũng được ngưỡng mộ. Nhưng ông có được yêu mến không? Như người đời truyền tụng, tác phẩm của ông tư biện, lạnh và dàn dựng. Chất gợi cảm và trực quan không ngự trị nơi ông, mà là cái chất nghĩ suy và thế giới quan, thường người ta nói tới mức giày vò. Điều này thì đúng rồi, và tôi khó có thể tin vào một thời phục hưng của Hebbel. Người ta chỉ không nên quên rằng ông thuộc vào những tác giả nguyên mẫu nhất của thế kỷ 19.

Đã cam kết với truyền thống, không đời nào ông là người cũ mốt. Kịch của ông thừa kế nhiều từ các tác giả cổ điển Đức, nhưng đồng thời cũng trỏ hướng tương lai trước cả Ibsen (1). Ở ông có những bài thơ gợi nhớ về Mörike (tất nhiên không có sự dịu dàng tuyệt vời của người này) và Heine (tất nhiên không có sự tếu táo của ông ấy), và những tác giả khác cho ta nghĩ về đầu thế kỷ 20, trong đó người ta còn ngạc nhiên thấy những âm giọng của Rilke(2). Điều chắc chắn là: có điều bất công xảy ra đối với thơ trữ tình của ông. Cách đây 100 năm thơ ông đã bị đánh giá thấp dưới tầm và cho đến ngày hôm nay thì mới quả là như vậy. Chắc chắn trong những hợp tuyển lớn cũng luôn có chỗ dành cho ông, hầu như luôn cho cũng vẫn thế 4 hay 5 bài thơ (rất hay), bài thơ „Hình ảnh thu“ và bài „ Hình ảnh mùa hạ.“, „Khúc ca ban đêm“ và „Cảm xúc ban chiều“.

Ở đây tôi muốn giơ đầu chịu báng bênh vực thơ của Hebbel và làm điều đó cho một bài thơ không được biết tới mà người ta hoài công tìm kiếm trong ấn bản „toàn tập“ gồm 5 cuốn sách của ông. Nhưng mà đồng thời tôi muốn thú nhận rằng trong trường hợp này, tôi thiên vị. Chuyện là thế này: Khi đó tôi 15 tuổi, bài thơ „Nếu hoa hồng nở vĩnh viễn“ ở một tập sách Hebbel của ông đập vào mắt tôi. Từ dạo đó tôi đã không quên bài thơ này trong hơn 60 năm trôi qua. Điều gì dạo xưa ấy đã gây ấn tượng cho tôi như vậy? Quả tình trước hết các đặc tính mà thơ trữ tình không bị chi phối và những nhà tiên tri trong số các nhà thơ Đức lại không muốn biết một chút gì về chúng: sự trong sáng, tôi muốn nói, sự lô-gich.

Luận chứng đơn giản của bài thơ nghĩa là: Bởi cuộc đời tàn phai, các cô gái không đắn đo cho các cậu trai vào phòng. Còn Hebbel có cho rằng điều này là đáng tiếc hay đáng khuyến khích, ông không thổ lộ với chúng ta. Ông ấy chỉ nói: Nó là thế đấy. Ta bắt gặp ý nghĩ này trong vô số các câu thơ, thời trung cổ cũng như thời cổ đại. Cái mô-tip biểu thị sự trôi qua – sự tàn phai của lá hoa - kể cũng là già cỗi. Một bài thơ tầm phào chăng? Bọt váng đáng quên ư?

Phần nhiều các bài thơ biểu đạt cái chất gốc thô tục về ý tưởng. Nhưng nếu trong số đó còn một số bài sau hàng trăm năm, vâng sau hàng ngàn năm vẫn cảm kích lòng ta, hẳn chúng phải dính dáng tới một nét quyến rũ của thơ, một vẻ quyến rũ phân biệt thơ khác văn xuôi mà suy cho cùng vượt thoát ra khỏi một định nghĩa có thể thuyết phục. Nên chăng: Ai muốn biểu đạt bằng thơ một điều hoàn toàn dung dị, được lời khuyên tốt, nếu sử dụng một ngôn ngữ kín đáo càng dung dị càng hay và cũng lựa chọn một hình thức thật dung dị như có thể được.

Mọi ngôn từ của những vần thơ này bắt nguồn từ thường nhật, không thành ngữ nào được gia công, không vần nào khiên cưỡng. Bài thơ bao hàm những nhận định rõ ràng, và những thông báo đơn giản. Hebbel đã kế thừa hình thức, của Eichendorf (3), Heine (4), Mörike(5) và rất nhiều nhà thơ khác, tất nhiên không loại trừ cả Goethe (6): bài thơ là bài dân ca Đức 4 dòng, đặc biệt khổ thơ được ưa thích mang vần chéo, tức là a-b-a-b trong khổ đầu và c-d-c-d trong khổ thứ hai.

Nghệ thuật của Hebbel trước hết biểu lộ trong không khí bao trùm bài thơ: bi thương và buồn rầu, giai điệu chứng cho tuyệt vọng. Con người ta, như Thi thiên (7) nói tới, chỉ là „một người khách trên địa đàng“ – chúng ta phải an phận với điều đó. Nhưng mà chúng ta không được phép để cho bất cứ một ai, một thiết chế nào ngăn cản ta rút ra kết luận từ nhận thức đắng cay này. Bởi chưng chúng ta muốn hạnh phúc, ở trên cõi hạ giới này và không chờ mãi tới khi lên thiên đàng. Chính vì thế các phòng riêng của các cô gái thích được mở ngỏ, nếu đêm đêm các cậu trai gõ gọi.

Rằng chúng ta đây chỉ một lần sống trên địa đàng, bài thơ nhỏ có dáng vẻ như một bài dân ca giúp cho nhận thức này và những gì phát sinh hoặc còn phát sinh ra từ điều đó đi tới tác động thức tỉnh và soi sáng.

1999

©Phạm Kỳ Đăng dịch

Nguồn: Ein Jüngling liebt ein Mädchen – Một chàng trai yêu một cô gái – Marcel Reich-Ranicki; Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2001, ISBN 3-458-06655-I
Có thể xem bài này ở mục Frankfurter Anthologie (Hợp tuyển Frankfurt) trên trang Frankfurter Allgemeine Zeitung, với hai ba phụ đề phân đoạn.

Nếu hoa hồng nở vĩnh viễn

Friedrich Hebbel ( 1813-1863)

Nếu hoa hồng nở vĩnh viễn
Người ta không ngắt khóm bông,
Các cô nàng phòng thân tránh 

Đêm đêm các cậu gõ phòng.

Nhưng vì cơn giông phá hủy 

Vết gì in ngón tay ai
Các nàng không thấy bắt buộc
Phòng riêng cửa đóng then cài.

 
©Phạm Kỳ Đăng dịch 

từ nguyên tác tiếng Đức

Wenn die Rosen ewig blühten

Friedrich Hebbel ( 1813-1863):

Wenn die Rosen ewig blühten,
Die man nicht vom Stock gebrochen,
Würden sich die Mädchen hüten,
Wenn die Burschen nächtlich pochen.

Aber, da der Sturm vernichtet,
Was die Finger übrigließen,
Fühlen sie sich nicht verpflichtet, 

Ihre Kammern zu verschließen.

Chú thích của người dịch:

Marcel Reich-Ranicki (1920-2013): Nhà phê bình được vinh danh Giáo hòang văn học, nhà trước tác có ảnh hưởng lớn nhất đương đại trong khu vực nói tiếng Đức.

Friedrich Hebbel ( 1813-1863): Nhà thơ, kịch tác gia Đức.

(1) Henrik Johan Ibsen (1828-1906): Nhà văn, nhà viết kịch người Na Uy.

(2) Rainer Maria Rilke (1875-1926): Nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận và dịch giả, ông thuộc về những thi sĩ quan trọng nhất của văn chương tiếng Đức.

(3) Joseph Karl Benedikt Freiherr von Eichendorff (1788-1857): Nhà thơ, nhà văn quan trọng của trào Lãng mạn Đức.

(4) Heinrich Heine (1797-1856): Nhà thơ, nhà văn và nhà báo, tác gia hàng thi hào Đức, đại diện cuối cùng và là người vựợt bỏ trào lưu Lãng mạn.

(5) Eduard Friedrich Mörike (1804-1875): Nhà thơ nhà viết truyện ngắn và dịch giả người Đức

(6) Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832): Thi hào Đức, cùng với Friedrich Schiller trở thành đại diện quan trọng nhất của trào lưu Cổ điển Weimar, nhiều tác phẩm thuộc về đỉnh cao của văn chương thế giới, có sự nghiệp đồ sộ trải rộng trên nhiều lĩnh vực thơ, văn xuôi, kịch, nghiên cứu khoa học tự nhiên, họat động chính trị.

(7) Sách Thi thiên/Thánh thi: Gồm 150 khúc ca và kinh cầu trong Kinh Cựu Ước của Thiên Chúa giáo và Kinh thánh Hebrew của Do thái giáo.

P.K.Đ – 2014 / Bài đã đăng trên VHNA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...