Phóng viên: Thưa đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đến hôm nay vẫn tồn tại một thực trạng thế này: trước Đổi mới dân ta còn dùng báo Nhân Dân để gói hàng và làm giấy chùi ở nhà vệ sinh, bây giờ báo Nhân Dân ta, vốn chẳng nhân dân nào đọc, được xuất bản ra hàng đống, tờ cũ cũng mới như in. Trước tình hình đó, đồng chí thấy rằng cần làm gì để tờ báo mang chức năng là cơ quan ngôn luận đồng thời là vũ khí tuyên truyền của Đảng gần gũi nhân dân hơn, ít ra là tiếp cận sâu sát quần chúng theo cung cách khác?
Đinh Thế Huynh: Trao đổi với đồng chí Lưu Vân Sơn, Trưởng
ban Tuyên truyền trung ương của Đảng Cộng sản Trung quốc anh em sang dự Hội
thảo lý luận lần thứ 8 giữa hai Đảng trong tinh thần thắt chặt tình hữu nghị
thắm thiết, quán triệt phương châm Mười sáu chữ vàng và tinh thần Bốn tốt đang ngày
càng đi vào chiều sâu, chúng tôi đã nhanh chóng rút kinh nghiệm thực tiễn khắc
phục hiện tượng báo chí của Đảng lơ là xa rời quần chúng. Về vấn đề này, đồng
chí Thường trực Ban bí thư Lê Hồng Anh đã yêu cầu đảng ủy các cấp
phải xem việc mua và đọc báo và tạp chí của Đảng là nhiệm vụ quan
trọng thường xuyên. Sắp tới tôi thay mặt Ban Tuyên giáo Trung ương ra chỉ thị
cho mọi cơ quan công quyền phải đọc báo Nhân dân 2 tiếng đồng hồ vào đầu giờ
làm việc và trong thời gian đó cấm xì xào thảo luận, cấm ăn quà vặt và đi vệ
sinh. Ai vi phạm đuổi ra khỏi biên chế nhà nước.
Phóng viên: Theo dõi những sự kiện xảy ra trước và sau Ngày
Báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo chúng tôi ghi nhận rằng cùng một lúc có tới
3 vị lãnh đạo Đảng và nhà nước lên tiếng yêu cầu báo chí giữ vững định
hướng chính trị. Một mặt kiên trì định hướng dư luận xã hội, mặt khác
yêu cầu báo chí phải thực sự đi sâu vào lòng người, đồng chí Trưởng ban Tuyên
giáo có thấy điều này khó thực hiện như kiểu một mình ngồi xổm thuyền chài, vừa
một tay phải kéo thuyền về một hướng và tay kia phải nhăm nhe chài lưới quăng
cho xa, thả cho sâu?
Đinh Thế Huynh: Thật may mắn cho nhân dân lao động tòan thế
giới, các nhà lập thuyết, các vị lãnh tụ và lãnh đạo các nhà nước xã hội chủ
nghĩa phe ta đều là những nhà văn, nhà báo bậc thầy. Việt Nam ta còn tiến xa hơn
một bậc, các vị tướng lĩnh trong công an quân đội am tường báo chí văn chương
hơn người, luôn đi đầu trên các mặt trận của văn hóa cách mạng. Đồng chí Trần
Đại Quang và Phùng Quang Thanh đều có lời huấn thị với báo giới rất sâu sắc. Trở
lại vấn đề đồng chí băn khoăn, tôi thấy rằng ngay cả trên sông nước đại dương,
ở đâu thì vận động cách mạng cũng theo luồng cả, cho nên mới phân định ra trào
lưu, chủ lưu, luồng chính, ngòai luồng v.v. Cho nên đòi hỏi của đồng chí Lê
Dõan Hợp, báo chí sẽ an toàn và tự do nếu mình đi đúng lề đường bên phải, còn
nóng bỏng ý nghĩa thời sự. Kiểu cầm lèo này luôn đúng đắn, luôn mang lại hiệu
quả cho báo chí văn nghệ cách mạng Việt Nam đang nhổ neo ra năm châu bốn biển. Ở
phạm vi trong nước, nền báo chí và văn nghệ công an và quân đội, tiếp tục
tuyên truyền sâu rộng về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tích cực
tham gia và thể hiện vai trò đi đầu trong cuộc đấu tranh chống diễn biến hòa bình
trên lĩnh vực tư tưởng, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, phối hợp với
dân phòng, thương binh và quần chúng tự phát, chia rẽ, hạ nhục và vô hiệu blogger
và các biểu tình viên vì chủ quyền lãnh thổ, củng cố tình hữu nghị sắt son với
Đảng Cộng sản Trung quốc v.v, đang là điển hình mẫu mực nhất cho báo chí văn
nghệ dân sự soi mình vào mà học tập.
Phóng viên: Cũng trong cuộc gặp gỡ vừa nêu, đồng chí Bộ trưởng Công an yêu cầu
báo chí phải xây dựng hình ảnh đẹp của người chiến sỹ công an nhân
dân trong lòng nhân dân. Đồng chí hãy cho ý kiến để chúng tôi tiếp thu, giới
báo chí và văn nghệ sĩ có phải đi vào thực tế? Có phải mô tả chân thực? và lấy chất liệu từ
thực tế hay từ đâu để xây dựng hình tượng nghệ thuật lý tưởng nơi đồng chí Bộ
trường công an kỳ vọng?
Đinh Thế Huynh: Đương nhiên việc mô tả con người, sự vật
phải căn cứ từ hiện thực cách mạng. Nếu không từ hiện thực người ta dễ sinh ra
những cảm quan sai lầm lắm. Tôi xin giới hạn vấn đề này vào nghệ thuật tạo hình
để đồng chí dễ hình dung. Ngay trong cuộc triển lãm Mỹ thuật tòan quốc vừa qua,
tôi thấy nhiều tranh tượng còn lèm nhèm hình ảnh khiến các đồng chí lãnh đạo cứ
phải gí mắt vào nhìn, nên tôi phải biện hộ cho sự yếu kém của một số họa sĩ.
Đòi hỏi đối với người cầm cọ là: vẽ cái cây phải ra cái cây, hòn đá phải ra hòn
đá, chiến sĩ công an phải ra chiến sĩ công an, ai là
bạn, ai là thù không thể mập mờ được. Tuy nhiên, vẽ lãnh tụ về thăm xưởng
đóng tàu thí dụ như vậy, họa sĩ phải rèn luyện cảm quan hiện thực để làm sao lãnh
tụ nổi bật chói lòa trên nền đám đông.
Phóng viên: Tức là đồng chí cho rằng họa sĩ của ta vẫn chưa nắm vững hiện thực. Hay hiện thực diễn tả
ở đây chưa mang tính cách mạng, chưa xứng tầm thời đại như Ban Tuyên giáo đòi
hỏi? Theo ý đồng chí, bãi biển trước xưởng đóng tàu có gần triệu hòn sỏi, có
nhất thiết phải vẽ đủ bằng ấy hòn? Xây dựng hình tượng lãnh tụ cưỡi trên lưng
ngưa, mà đuôi con ngựa có bằng ấy sợi lông, có nhất thiết phải vẽ cho đủ tất
tật bằng ấy sợi?
Đinh Thế Huynh: Phải vẽ đủ chứ chẳng nhẽ dùng mầu dùng hình
khối khỏa lấp những chỗ trống chỗ khuyết đi chăng. Văn nghệ phương Tây suy đồi
vì thế hay đánh lận con đen, bôi xóa hiện thực nên mới nảy sinh ra nhiều khuynh
hướng sáng tác và các thứ chủ nghĩa tối tăm, những vị lai, đa đa, trừu tượng, tân hình thức, hiện
đại, hậu hiện đại…, tối như hũ nút.
Phóng viên: Thưa đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo trung ương,
chiểu theo yêu cầu đi sâu vào thực tế cuộc sống, báo giới chúng tôi ngày nay
soi đèn đi ban ngày quả hiếm khi gặp được chiến sĩ công an gần gũi nhân dân.
Rốt ráo thực hiện yêu cầu nắm bắt thực tế cách mạng để xây dựng tính cách điển
hình, chúng tôi chỉ thu thập được chất liệu phản cảm về nhiều công an tra tấn
bức tử dân chết trong đồn, quất dùi cui vào người đi đường đến vỡ sọ. Từ những
bức tranh ấy chỉ có thể xây dựng nên hình tượng kẻ sai nha mắt đảo như lạc
rang, tay này nhón tiền mải lộ, tay kia vung dùi, miệng văng tục, chửi thề, chân
đạp mặt người xuống đường vì nước…
Đinh Thế Huynh: Làm gì có người công an nào kém cỏi tiêu cực
như thế. Chúng tôi đi đến đâu tòan được các chiến sĩ công an hoan hô, niềm nở
tiếp đón. Họ là những người giản dị, dễ thương, gần gũi quần chúng. Tôi cho rằng
có chăng chỉ là một hai đồng chí công an, gây bức xúc là do bị báo chí, đặc
biệt báo chí ngòai luồng phản ánh không đúng. Có thể mấy đồng chí này chưa phải
là người đảng viên, vì đảng viên chúng tôi luôn vì nhân dân phục vụ, vì nhân
dân quên mình. Có lẽ số tiêu cực mới chỉ đang cảm tình Đảng, mà vì nôn nóng
muốn hòan thành nhanh nhiệm vụ Đảng giao phó, họ đã có những hành động hăng hái
quá tay như vậy.
Phóng viên: Công tác định hướng của Ban Tuyên giáo mang lại
một kết quả không mấy bất ngờ. Việt Nam
hiện được tổ chức Phóng viên không biên giới xếp hạng 172 trong tổng
số 179 nước về chỉ số tự do báo chí. Đồng chí có cho rằng cần phải xiết
chặt hơn nữa bộ máy kiểm duyệt?
Đinh Thế Huynh: Đây
là một đánh giá hết sức bậy bạ. Vào tầm tay kiểm sóat, tôi sẽ cho bắt và truy
tố theo luật pháp Việt Nam cái tay phóng viên nào xếp hạng nền báo chí của
chúng ta theo những tiêu chí thù nghịch như vậy. Chúng ta đang sống ở đất nước
có chỉ số hạnh phúc gần như nhất thế giới. Chúng ta có nền dân chủ ưu việt gấp
vạn lần dân chủ tư sản và một quốc
hội sẽ tuyệt đối ủng hộ Nghị quyết 5. Chúng ta có nền thi
ca xứng vào hàng cường quốc, và với sự kiện đồng chí Tổng Bí thư được nhận
huân chương Hôxê-Mácti, đất nước ta còn đứng vào vị trí cường quốc về triết học
nữa. Đây là sự kiện vang dội trong giới làm triết học trên thế giới, chẳng khác
gì Điện Biên Phủ trên không. Huân chương Hôxê-Mácti dành cho những nhà lý luận
về nhà nước tiến bộ bỏ qua dân chủ đi lên đảng chủ, vinh dự như giải thưởng
Nôben đối với văn học. Hình ảnh đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đứng trên bục đài
cao của tư tưởng, cổ vũ cho cách mạng vô sản thế giới và rạng rỡ đón nhận huân
chương thực đẹp đẽ và cao quí biết bao. Trải qua bốn nghìn năm lịch sử dân tộc
ta mới sản sinh ra Đảng Cộng sản Việt Nam và đồng chí Tổng Bí thư, học trò xuất
sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội tụ và kết tinh phẩm chất của hàng triệu Đảng
viên đang ngày đêm trăn trở vì hạnh phúc của nhân dân, nêu tấm gương sáng ngời
về đạo đức cách mạng. Báo chí, văn học nghệ thuật của chúng ta, nâng cao tính đảng
hơn nữa, hãy xây tượng đài người lãnh đạo đảng viên cho cách mạng thế giới. Đảng
ta luôn coi báo chí và văn nghệ là những mặt trận, vậy các đồng chí phóng viên,
nhà văn, nhà báo hãy như chiến sĩ mau chóng đứng vào hàng ngũ của mình trong cuộc
duyệt binh oai dũng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Phóng viên: Trong tinh thần nêu cao tính đảng,
một lớp học điêu khắc của trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội vừa tổ chức cuộc thi
nặn tượng. Tác phẩm của sinh viên nhận giải ba là bức tượng đồng chí Nguyễn Phú
Trọng ngồi dưới gốc tre đang đọc thơ Nguyễn Du. Giải thứ hai dành cho sinh viên
tạc hình thi hào Nguyễn Du bên đèn đang đọc tác phẩm Nguyễn Phú Trọng. Giải nhất
dành cho tác phẩm tạc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dưới gốc tre đọc tác phẩm
của chính Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí có nhận xét gì về tiêu chí trao giải của
nhà trường giảng dậy phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa?
Đinh Thế Huynh: Khỏi phải bàn ta cũng thấy đó là một ví dụ
tuyệt vời về quán triệt tính đảng trong sáng tác theo phương pháp hiện thực xã
hội chủ nghĩa. Hy vọng rằng nay mai nhà trường sẽ đào tạo ra nhiều những nhà
họa sĩ điêu khắc kiệt xuất để vẽ tranh nặn tượng lãnh đạo Đảng đặt khắp nơi
nơi, đáp ứng nhu cầu hội họp của Đảng ủy và chính quyền nhân dân các
cấp.
Phóng viên: Đồng chí có nói, chưa bao giờ Đảng ta thôi
khuyến khích nói đúng sự thực. Nhiều văn nghệ sĩ ta, hơn nửa thế kỷ trước từ
Nhân Văn Giai Phẩm, chót mải mê đi tìm sự thật đã bị tù đày ra thân tàn ma dại.
Hai nhà báo bị đánh sứt trán biêu đầu khi mới đây về tìm hiểu Văn Giang. Sau
ngày báo chí Việt Nam, đồng chí Lê Dõan Hợp -cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền
thông Việt Nam- vẫn khẳng định không có vùng cấm trong báo chí?
Đinh Thế Huynh: Hiện thực cũng có cái góc khuất của nó. Anh
là nhà văn nhà báo phải biết chọn cái góc an tòan, bờ ao bụi cây chẳng hạn, mà
tác nghiệp. Đấy cũng chính là cách đi vào lề phải để tác nghiệp an tòan, bảo đảm
sự sống còn và tự do báo chí. Nên tránh những chủ đề nhạy cảm, chưa giám hộ chớ
có nói vào.
Phóng viên: Tránh mãi như thế cũng mệt, một số nhà báo nước
ta than thở rằng họ thèm được nói lên sự thật. Mới đây có nhà báo, nhà văn bị
viêm họng cần phải cắt a-mi-đan. Bác sĩ bệnh viện, sau khi hội chẩn và cân nhắc
cẩn trọng, đành đưa ra giải pháp cắt
a-mi-đan qua phẫu thuật vào từ đường hậu môn vì họ không được mở miệng. Theo
đồng chí xử lý như vậy có đúng hay không?
Đinh Thế Huynh: Yêu cầu đồng chí rà soát và cho dừng
ngay lại những ca phẫu thuật đang tiến hành theo phương pháp đó? Chẳng lẽ nền y
học của Việt Nam ta, các bệnh viện và và các phòng mạch của bác sĩ Trung quốc
lại kém cỏi như vậy. Ít ra có thể mổ giải quyết từ đường ruột!
Phóng viên: Cảm ơn đồng chí Đinh Thế Huynh về những lời chỉ giáo.
Phóng viên: Cảm ơn đồng chí Đinh Thế Huynh về những lời chỉ giáo.
2012 - PVVH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét