Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

Lấy gì làm tin

Phạm Kỳ Đăng

Có tìm thấy cái Ác không? Phóng sự video tức thời của cơ quan Thông tin và Truyền thông do ông Nguyễn Bắc Sơn đứng đầu, lắp ghép thiếu chuyên nghiệp, đưa hình phản bác sự ngược đãi đối với Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Góc nhìn từ sau lưng người tù chiếu lên những khuôn mặt cán bộ quản giáo, bác sĩ khiến tôi ngờ ngợ vừa lạ vừa quen. Vẫn là nhiều gương mặt phổ cập gặp hàng ngày, tầm thường và vô hại.

Những gương mặt thừa sai ấy, ở những tình thế và môi trường  khác, có thể biến sắc tai quái. Nhiều người vào cửa khẩu Việt Nam nhớ như in những bộ mặt lỳ lợm xám chì, cục cằn. Và người dân chết oan trong đồn, hẳn còn ám ảnh bóng ma cô dữ dằn của kẻ đánh mình trước khi xuội tay nhắm mắt.

Công an, ở một chế độ khác tuyên thệ vì nhân dân phụng sự, gặp dân sẽ có bộ mặt dân sự, và không có lựa chọn nào khác. Và xã hội dân chủ đa nguyên dung nạp khuyến khích mọi cá tính khác biệt.

Càng nỗ lực trăm phương ngàn kế hòan thiện con người công cụ, chế độ tòan trị, dành cho một mini-thiểu số tác oai tác quái trên nền quần chúng cách mạng vô danh, ở nhiếu cấp độ sẽ càng sản sinh  nhân tố chống lại chính nó. Đặc biệt là cá tính mạnh mẽ, tự chủ trong tư duy và ý thức trách nhịệm, dường như sinh ra dưới sao chiếu mệnh của đơn côi, sớm chịu phận lưu đầy trên quê hương của họ.

Đọc bài những bài viết, những đơn kiện của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và cảm nhận kể cả  từ sự xuất hiện qua thước phim dàn dựng của VTT1, tôi hình dung ông thuộc về những người lẻ loi chính quyền tòan trị không thể dung thứ. Ông chẳng có gì chung để mà giãi bầy tâm sự với ông y tá, ông  công an thi hành chỉ thị mật, ở cái nhà nước thay vì bằng luật, cai trị bằng công văn và chỉ thị và lệnh miệng. Giữa ông và họ là một hố ngăn cách lớn ngay từ đầu sẵn chôn vùi mọi nỗ lực gần gụi trong môi trường lao tù. Một giám thị nào khác đại tá Lê Duy Sáu, Phó giám thị trại giam số 5, đến thế nào đi nữa cũng sẽ chỉ xếp lọai thi đua và cho Cù Huy Hà Vũ hạnh kiểm cải tạo thuộc lọai „kém“, vĩnh viễn  như thế, không hy vọng phạm nhân „tiến bộ“.

Phóng sự của một nền thông tin theo định hướng, lại có nhu cầu xây dựng lòng tin, với kết luận không có sự ngược đãi Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ luôn bắt người có lương tri quan tâm tới thời cuộc phải nghĩ tới những điều gì trước thực tế cả một đội ngũ tuyên giáo hùng hậu như vậy không vạch mặt được kẻ cầm đầu tham nhũng, không bắt được quả tang hối lộ trên bàn tay cảnh sắt giao thông. Rất khó tìm ra kẻ đưa tiền đút lót để kiếm đựợc chỗ làm công chức ở thủ đô. Và tuy rằng nhà chức trách suốt ngày lảo đảo vào ra, vẫn không phát hiện tệ nạn mại dâm ở Đồ Sơn và Quất Lâm.

Chỉ có „kẻ lơi dụng dân chủ tuyên truyền chống lại nhà nước“, các blogger, các biểu tình viên chống Trung quốc xâm lược là luôn tìm được bằng xương bằng thịt từ hàng ngũ nhân dân. Việc trừng trị „ những phần tử phản động và thế lực thù địch“ này luôn được lên kế họach, và thi hành vượt định mức do trên đề ra.

Xung quanh một kẻ thù tư tưởng, hẳn là một cá tính khó ưa đối với đám người thừa sai, sự hành hạ và ngược đãi sẵn là khả năng tiềm ẩn duy nhất. Xa đích. Bầy đàn. Đồng lõa.

Ngay từ đầu không tin vào nội dung phóng sự, tôi lại rất tin vào sự tồn tại của sự thật hãi hùng ma hờn quỷ khốc ở đất nước chưa được làm đế quốc, mới là tiền tiêu của một hệ thống nhà nước vị một lý tưởng từng làm mưa làm gió, một ngày cách đây hơn hai thập niên bỗng chốc lụi tàn. Tiền đề mà các nhà nước đó theo đuổi, phần nào cung cách thi hành trong thực tiễn thuần mang tính „đức trị“, cách hành xử với con người, đặc biệt người phê phán nó, tuy nhiên tuyệt đối kém đạo đức và văn minh.

Với những người tù chính trị từ sau Cải cách ruộng đất, ở từng vụ án tạo dựng như Nhân văn Giai phẩm, Xét lại và Chống Đảng và Cải tạo Ngụy quân Ngụy quyền sau 1975 còn nguyên đó sự trừng trị, sự ngược đãi bằng nhục hình, nhiều vụ độc đóan hành quyết khuất chìm trong bóng tối.

Nếu không, sau Auschwitz, Buchenwald đã không có thêm Vòng đầu Địa ngục và Quần đảo Gulag (1).

Chú thích:
(1) The Gulag Archipelago: Quần đảo ngục tù - Tác phẩm của nhà văn Nga, giải thưởng Nôben văn học, Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn (1918-2008) viết về nhà tù cải tạo tàn bạo tại Liên Xô chuyên dành cho những người bất đồng chính kiến.

©Phạm Kỳ Đăng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Làm gì đây với Pushkin

Marcel Reich-Ranicki        Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...