Phóng viên: Sáng ngày 09.06.2010, các đại biểu đã nhất trí năm sau Quốc hội sẽ ra nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992. Năm 2011 qua đi, Chủ tịch cho biết việc thảo luận sửa đổi Hiến pháp đã đi tới đâu và Quốc hội bao giờ mới ra nghị quyết sửa đổi?
Nguyễn Sinh Hùng: Hiến pháp 1992 của chúng ta hiện
thân cho nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, điểm này tôi rất tán thành ý kiến của nữ
đồng chí Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về nền dân chủ của chúng ta ưu việt
hơn vạn lần dân chủ tư sản. Việc thống nhất mọi nhánh quyền lực về tay Đảng
biểu lộ sự đồng lòng nhất trí của nhân dân Việt Nam. Đồng chí hãy vui cùng tôi
vì mọi quyền lực thu vào nhất nhất trong tay gắn kết thêm „lòng dân ý Đảng“, và
đây chính là phần đóng góp đặc trưng của Việt Nam ta vào việc xây dựng mô hình
nhà nước tương lai cho thế giới. Tất cả dân quyền đều đã ghi trong Hiến pháp
1992 rồi. Nếu dân quyền chưa biến thành hiện thực thì đó không phải là lỗi Quốc
hội. Hơn nữa đồng chí thấy, nếu sửa đồi hiến pháp không theo chỉ đạo dễ dẫn tới
đòi hỏi đa nguyên, đa đảng lắm. Đồng chí có nhớ người tiền nhiệm của tôi, đồng
chí Nguyễn Phú Trọng, hồi còn làm Chủ tịch quốc hội, trong chuyến thăm nhiều
nước Đông Nam châu Á, đã chẳng từng tuyên bố rằng „Việt Nam chúng tôi không có
nhu cầu đa nguyên đa đảng“. Cho nên việc sửa Hiến pháp cũng phải được tiến hành
tùy theo yêu cầu của cách mạng và kinh nghiệm các nước anh em. Sắp tới tôi sẽ
trao đổi về vấn đề thảo luận sửa Hiến pháp tại quốc hội với đồng chí Ngô Bang
Quốc- Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa vừa qua đồng chí Tập
Cận Bình gửi giấy mời tôi sang thăm- và học hỏi thêm kinh nghiệm nước bạn. Vậy,
như đồng chí thấy, sửa Hiến pháp và trưng cầu dân ý là việc từ lâu ta có thể,
nhưng chưa cần vì phải tùy theo yêu cầu cách mạng hiện thời, thích thì làm chưa
thích thì thôi.
Phóng viên: Trong các nhà nước dân chủ phương Tây, thể thức tam quyền phân lập
giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp tạo cơ chế giám sát và sửa chữa. Mặc dù
cũng rơi vào thử thách nhưng nền pháp chế đó, từ nhiều thế kỷ nay, ví von theo
kiểu ta, tạo nên thế như kiềng ba chân. Ở ta, chính cái đặc thù tam quyền nhất
thống thể hiện „lòng dân ý Đảng“ mà đồng chí ca ngợi lại đang bộc lộ những mặt
hạn chế. Đất nước đang mất quyền độc lập, mất rừng lấn biển, thất thóat tài
nguyên, tham nhũng triền miên, địa phương cát cứ thẳng tay bán rừng hay tiêu
tán tòan bộ vốn liếng của xã hội Việt Nam…,đấy là chỉ nêu vài ví dụ rò gỉ qua
cả báo chí chính thống. Nếu so với cái thế „kiềng dựng ba chân“ của tư bản,
liệu cái cách tác quyền xã hội chủ nghĩa, theo kiểu ta có thể ví như là „ba tay
cùng khoắng vào một bị“ hay không, thưa đồng chí Chủ tịch quốc hội?
Nguyễn Sinh Hùng: Khi làm cách mạng vô sản chúng
ta đòi „Tất cả chính quyền về tay nhân dân“ thì kết cục, theo tôi nghĩ, tiền
bạc tất cả cũng lại về tay nhân dân mà thôi. Có điều, đồng chí hãy tin tôi, chủ
nghĩa cộng sản là một sự nghiệp đòi hỏi xây dựng lâu dài mãi mãi. Nhân dân ta
cần phải cùng Đảng chịu khó „ba kiên trì“ xây dựng xong giai đọan đầu của cộng
sản chủ nghĩa là chủ nghĩa xã hội, với sự giúp đỡ to lớn của Trung quốc mà tôi
đã hơn một lần kêu gọi. Tài nguyên hay vốn xã hội gì gì đi nữa, nằm trong bị
theo so sánh giàu hình ảnh của đồng chí, rồi cũng sẽ thành tài sản chia chung.
Cho nên pháp chế tập quyền của Đảng ta là một sáng kiến lớn cho nhân lọai. Về
cơ bản Nhà nuớc và Tòa án đều là cánh tay nối dài, và Quốc hội, hơn thế nữa còn
mang chức năng phễu lọc thành phần nhân dân tin cậy cho Đảng. Ở quốc hội ta,
các đại biểu nhân dân chỉ dự thảo và biểu quyết luật dành cho con người mới xã
hội chủ nghĩa kiểu Việt Nam mà Đảng đã xây dựng từ năm sáu chục năm nay. Cứ tam
quyền riêng biệt ra là tứ bề bối rối. Ta đạt được đồng thuận cao, số phiếu
tuyệt đối, bởi chỉ thị của Đảng nên luôn giải quyết gọn mọi vấn đề cấp bách!
Phóng viên: Trả lời phỏng vấn trên đài BBC ngày 09.12.2011, đồng chí Chủ tịch khẳng
định „… có kinh nghiệm trong công tác chính phủ sẽ tạo điều kiện cho những
người như tôi tham gia vào quá trình lập
pháp nó chính xác hơn, nó khoa học hơn, sát với tình hình thực tiễn của đất
nước hơn. Nếu như Hiến pháp và Pháp luật tốt thì những họat động hành pháp về
kinh tế xã hội và quốc phòng sẽ thực sự đi vào cuộc sống hơn…“. Trong các cuộc họp gần đây, khi biển Đông sôi
sục và người dân phẫn nộ xuống đường ngòai kia, người ta thấy Quốc hội, trong
chương trình thể chế hóa quy định của Hiến pháp, lại bưng tai thông qua rất
nhiều đạo luật chưa xuất phát từ đòi hỏi bức thiết của đời sống như Luật Thư
viện, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Các đại biểu ta, người vừa yêu cầu
chỉnh lại tỷ số lạm phát qua giá rau muống nghĩ mãi chưa ra, đã có người nêu
sáng kiến ra Luật Nhà văn…, nên chưa biết chừng cứ đà này, trong cặp ông đại
biểu Hồng còn có đề xuất dự thảo những lọai Luật Nuôi trăn trên giường, Luật
Xỉa răng hổ, Luật Nuôi Cá sấu trong bồn tắm v.v. cũng nên. Luật cho con người
mới xã hội chủ nghĩa mà đồng chí Chủ tịch quốc hội vừa lưu ý, theo tôi nghĩ,
cũng phải có liên hệ với đời sống, thời cuộc. Cho nên, đáng ra vào thời điểm
chín muồi này Quốc hội nên chăng thảo luận về chủ quyền lãnh thổ, về quyền biểu
tình và ra luật bảo vệ người dân đang bị săn đuổi và đạp mặt khi xuống đường
một lòng vì nước. Trước đòi hỏi bức thiết như vậy, bỗng chốc nhân dân, ngóng
chờ từ hơn nửa thế kỷ qua, lại giật thót mình nghe lời tuyên bố bác bỏ luật
biểu tình khá hùng hồn phát ra từ chính miệng ông dân
biểu Hòang Hữu Phước, nằng nặng mùi „làm luật“, coi thường nhân dân. Đồng
chí Chủ tịch quốc hội có cho rằng chính những họat động này không xuất phát từ
yêu cầu thực tế; và phần nào chất vấn hay đề xuất của phần lớn Đại biểu quốc
hội ta, hình như không qua cơ chế trực tiếp dân bầu, nên nó cứ xa lạ thế nào
với đời sống, hoặc nó từ một sinh họat nào đó xa cách nhân dân?
Nguyễn Sinh Hùng: Quan sát các nước châu Á tập
theo dân chủ phương Tây chúng ta thấy sinh họat quốc hội của họ nhìn chung là
một thứ lai căng. Các ông các bà to tiếng, dùng dép vả nhau khi tranh luận ở
quốc hội rất ảnh hưởng thuần phong mỹ tục. Đại biểu quốc hội ta, hơn hẳn các
nghị viên tư sản về tư cách, về quan điểm lập trường và và ý thức kỷ luật, lại
khiêm cung và nền nếp hơn. Riêng ý kiến phản đối tụ tập biểu tình của đại biểu
Hòang Hữu Phước - đồng chí này lập trường chính trị vững vàng tuy chưa đứng vào
đội ngũ của Đảng - có phần hơi chủ quan nóng vội. Khảo sát về biểu tình trên thế
giới của đồng chí ấy là rất sâu sắc, tuy hơi lẫn về thời gian chút thôi. Tôi đã
gọi điện sang văn phòng của đồng chí Tô Huy Rứa và Đinh Thế Huynh mời đồng chí
đại biểu này vào ngay một trường Đảng để bồi dưỡng cấp tốc về khoa học thường
thức. Nói đi phải nói lại, nhưng mà đồng chí nghĩ sao, mặt khác, tại những
phiên chất vấn ở hội nghị tòan thể mấy năm trở lại đây, tự nhiên lại xuất hiện
vài đồng chí đại biểu chất vấn sai trệch đường lối, lại còn xì xào bàn chuyện
luật hóa vai trò Đảng, rồi nêu nhiều vấn đề bản thân tôi nghe không thấy vào,
đồng chí biết không? Nghe để mà biết vậy thôi, nên tôi chỉ mới báo cáo bên An
ninh xử lý. Còn đồng chí hỏi về Luật Biểu tình ư? Quyền Biểu tình ghi trong
Hiến pháp từ lâu rồi còn gì. Vừa qua đồng chí Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo cho
Bộ Công an sọan thảo. Tôi thấy về việc này, chỉ cần sau khi sọan thảo luật,
Chính phủ ra nghị định, Công an lại thông qua là phù hợp và tiện lợi, khỏi phải
phiền nhiễu đến Quốc hội của nhân dân ta.
Phóng viên: Như vậy, nếu xem chức năng quốc hội là cánh tay, là phễu lọc thành phần
cho Đảng như đồng chí nói, thì hẳn có một số nghị sĩ phát biểu gai góc đã „lọt
lưới“. Có bao giờ đồng chí nghĩ rằng phễu lọc bị đặt ngược?
Nguyễn Sinh Hùng: Không, chỉ có dòng đôi khi chảy
ngược, kể cả những dòng thác cách mạng.
Phóng viên: Nhà quốc hội mới sắp xây xong, có người dân băn khoăn chuyện có thể
xảy ra tình huống mất điện đúng vào lúc phải đếm phiếu và công bố kết quả. Đồng
chí có nghĩ rằng có chuyện gian lận hay nhầm lẫn số phiếu bầu khi đột nhiên mất
điện?
Nguyễn Sinh Hùng: Số phiếu tán thành lúc nào cũng ở ngưỡng
100% kể cả khi mất điện, thậm chí mất phiếu nữa. Thế tôi mới nói là nền pháp
chế xã hội chủ nghĩa của ta ưu việt và vững bền ở chỗ đó. Tam quyền nhất thống
cho phép kiện tòan đội ngũ cán bộ nâng cao năng lực phục vụ nhân dân. Kiện tòan
và đồng bộ giúp bộ máy vận hành trơn tru. Ở vị trí cao nhất của các nhánh quyền
lực, chúng tôi có thể vui vầy hóan đổi vị trí cho nhau, bởi tất cả đều là công
tác đảng vì nhân dân quên mình giao phó. Tôi nói cụ thể để đồng chí rõ: Đồng
chí Chủ tịch Quốc hội cũ nay chuyển sang làm Tổng bí thư chẳng gặp vấp váp gì để
ý đảng khéo định hướng lòng dân theo kịp nhiệm vụ cách mạng. Còn tôi mới đây là
Phó thủ tướng làm bên chính quyền hành pháp nay, trên trục đường lối nhất quán,
có thể điều khiển công tác lập pháp vô cùng ăn ý, và một mai, cũng với tinh
thần không quản ngại, tôi lại sẵn sàng đứng ra đảm nhận vai trò lãnh đạo ngành
tư pháp, nếu cách mạng và nhân dân yêu cầu.
Phóng viên: Nếu trong tương lai được trao cương vị Viện trưởng viện kiểm sát
Nhân dân tối cao hay Chánh tòa án Nhân dân tối cao, đồng chí có thể hòan thành
tốt trọng trách của người tiền nhiệm?
Nguyễn Sinh Hùng: Đồng chí khỏi phải lo, ít nhất
là đạt yêu cầu. Đêm trước đêm sau, tôi đảm bảo sẽ ký đủ lệnh bắt giam thành
phần bất mãn hay đòi hỏi dân quyền, đa đảng, vượt chỉ tiêu do trên đề ra.
Phóng viên: Đồng chí có lo ngại rằng một ngày nào đó các lực lượng phản động và thế
lực thù địch mà lãnh đạo Đảng suốt ngày nói tới, có vẻ ngày ngày đông hơn, sẽ
trà trộn vào hàng ngũ Đại biểu quốc hội để chống phá hoặc chí ít tìm cách diễn
biến hòa bình trong Quốc hội của ta hay không?
Nguyễn Sinh Hùng: Chuyện đó vĩnh viễn không bao
giờ xảy ra. Chưa cần đến sự giám sát bên
Công an và An ninh của đồng chí Trần Đại Quang, người trần mắt thịt như tôi chỉ
liếc qua một hai phiên họp đã phát hiện ra ngay chân tướng của họ rồi. Làm Chủ
tịch quốc hội phải luôn nâng cao cảnh giác chứ, làm sao chúng che được mắt tôi!
Phóng viên: Nhìn vào đặc điểm bên ngòai nào mà đồng chí có thể phát hiện ra
phần tử phản động nhanh đến như vậy?
Nguyễn Sinh Hùng: Kẻ thù giai cấp không bao giờ
ngủ gật!
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Chủ tịch quốc hội.
2012 PVVH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét