Phạm Kỳ Đăng
Cùng một lúc hiện đại hóa quân đội, thời gian qua Trung quốc liên tục đe dọa và xâm lấn lãnh hải và địa phận lân bang. Lời nói và hành động của nhà cầm quyền Bắc Kinh tiền hậu bất nhất, dựa trên lối hành xử biến báo, như kế sách có giời biết đường nào mà lần của họ đã trở thành một thứ nguyên tắc, tựu trung đều phục vụ một dã tâm tham lam về của cải và quyền lực. Các nước Asean, dường như đuối sức đương đầu, cơ bản nhất, phân rã trong nỗ lực tìm tiếng nói chung ngăn cản cỗ máy càn Trung quốc, đã hướng về người đồng minh đàn anh cách đó vài thập kỷ từng tung hòanh ngang dọc ở Biển Đông.
Biến diễn mới đã khiến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, đang trong tình thế sa sút về kinh tế so với siêu cường đang lên kia, bằng một nước đi chậm rãi nhưng trên qui mô rộng khắp đã quay trở lại châu Á–Thái Bình Dương. Sau chiến tranh Việt Nam, từ khi tháo xích cho Trung quốc lao vào thị trường tự do cho đến hôm nay, hẳn Mỹ hẳn không chờ và không ngờ một Trung hoa cộng sản với tăng trưởng vượt bậc của nền kinh tế vượt xa khỏi tầm kiểm sóat, có một thị trường đầy sản phẩm hàng nhái gây ô nhiễm, lại hòan thiện một thể chế chính trị độc tài với nền đối ngọai cướp bóc như vậy. Từ sau chuyến thăm Bắc Kinh của tổng thống Richard Nixon năm 1972, Mỹ luôn có phần rộng rãi và cả nể với Trung quốc, bởi hy vọng tới lúc nào đó sẽ thuần phục được nhà nước này, đưa siêu cường mới non nớt vào quỹ đạo cùng Mỹ chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giải quyết những vấn nạn cấp bách trên hoàn cầu. Đối nghịch lại sự trông chờ đó, những cuộc xâm lấn gần đây của Trung hoa, cướp bãi đá Gạc Ma, cắt cáp tàu Bình Minh, đưa phi cơ vào quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) v.v., khiến cho Mỹ và cả thế giới tự do không khó dự cảm thấy mục tiêu thực dân – bá quyền của nhà nước Trung hoa. Chiến lược và chiến thuật của Trung quốc sau hàng ngàn năm vẫn tỏ ra khó đoán định như chính sách Tiên Tần. Duy có điều, mục đích theo đuổi vẫn chẳng khác xưa hòan tòan vị lợi ích hẹp hòi của quốc gia, lại rất xa lạ với mục tiêu của cộng đồng xã hội dân sự, với văn minh nhân lọai. Sự hiếu chiến ngang ngược của Trung quốc đã dọn đường, và như vậy, vô hình chung hợp thức hóa sự đi lại của Hải quân Mỹ trên Biển Đông. Có thể nói thái độ bạo liệt của Trung Nam Hải đã biện hộ cho sự tái xuất giang hồ của Mỹ, quốc gia tự rút khỏi vai trò cầm chịch ở khu vực này sau chiến tranh Việt Nam, vừa trở lại êm thấm và khéo thích nghi những liên kết đồng minh từ sau chiến tranh lạnh với những thách thức mới.
Sự thiếu vắng đồng minh, sự hụt hẫng về quyền lực, ảnh hưởng và uy tín, mục tiêu theo đuổi đê mạt đến lúc nào đó sẽ đẩy Trung quốc vào một gọng kìm vô hình sẳn sàng khép lại, một mai đây khi Trung hoa manh động gây chiến tranh trong khu vực. Quốc gia hung hăng này sẽ quẫy cựa, sẽ áp sát mặt Mỹ trong thời gian vài thập kỷ. Tuy nhiên xét về trung hạn, Trung quốc khó qua được mặt Mỹ, không thay thế được Mỹ ở vai trò siêu cường lãnh đạo, ở phạm vi thế giới và phạm vi khu vực.
Không có nhà nước nào tuyệt đối chí công vô tư vì quyền lợi nước khác, Hoa Kỳ không là một ngọai lệ. Nhưng hiện nay không có một siêu cường nào giành được thiện cảm nhiều hơn Mỹ. Mỹ, quốc gia, sau đại chiến đã vực nhiều kẻ thù của mình đứng dậy, giúp đỡ phát triển tột bậc, nay cũng như vậy không hề có nhu cầu gì về lãnh thổ lãnh hải của các nước khác. Mỹ có đóng quân đất lạ, cũng thuê mướn đàng hòang.
Chính sách gây ảnh hưởng và giành ảnh hưởng của Mỹ luôn đạt được bởi đồng thuận, sự thuyết phục và sự phối hiệp. Đó là điểm khác biệt rất lớn, nếu so sánh với một chính sách tham vọng về quyền lực và của cải, tài nguyên của Trung hoa. Để thỏa mãn tham vọng và quyền lực, Trung quốc sẽ thực thi một lọat những đe dọa, lấn áp, cưỡng ép, ăn vạ và bức hiếp.
Hiện nay biển Đông sục sôi như nồi nước nóng và Châu Á đang lên xét rộng ra tựa một bãi mìn. Bên các thế lực kinh tế cũ, với sự xuất hiện của nhiều thế lực kinh tế mới như Trung Hoa, Ấn Độ, Nam Hàn, Malaysia, Indonesia, Singapore, rõ ràng trong thế kỷ 21 châu Á đóng vai trò đầu tầu kéo nền kinh tế thế giới mới, nếu sự phát triển đó mang tính hòa bình và bền vững.
Nhưng hẳn nhiên hòa bình, ổn định và công lý không tự nhiên mà có. Những giá trị này chỉ có thể đạt được bởi sự cố gắng của mọi nước trong khu vực. Vậy vai trò Việt Nam sẽ ra sao?
Trong lịch sử hiện đại, Việt Nam đã từng là bãi sa trường thuê mướn cho cuộc chiến tranh của hai phe hình thành sau chiến tranh lạnh xung đột vì ý thức hệ, và cuộc chiến tranh này là cuộc chiến ủy thác của hai siêu cường. Mẫn cán trong vị trí người lính tiền đồn, miền Bắc Việt Nam đã huy động sức người sức của thực hiện sứ mạng „cũng vì ba ngàn triệu trên đời“ nhưng thực tế đánh nhau cho Liên Xô và Trung quốc. Ở vào thời điểm lịch sử nào đó, khi chủ nghĩa xã hội với tư cách là lý thuyết xã hội và thực thể tồn tại còn mê hoặc nhiều lực lượng cánh tả ở phương Tây, cuộc chiến tranh Việt Nam - ở đây có sự đồng lòng đánh đuổi xâm lược của người Việt trên hai miền đất nước - đã gây ra bức xúc trong dư luận thế giới. Cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc thu hút được sự ủng hộ của nhiều lực lượng ở nhiều nước cộng với sự phản chiến chống Mỹ quyết liệt ngay trong lòng nước Mỹ.
Các nước Đông Nam châu Á, ít nhiều đều đắc lợi bởi cuộc chiến này. Nhiều nước xung quanh chiến trường Việt Nam tạo ra được xuất phát điểm cho kinh tế cất cánh. Xã hội dân sự và chế độ đại nghị khai sinh ở nhiều nuớc có cùng xuất phát điểm kém như miền Bắc Việt Nam, và tại các quốc gia Đông Nam Á lần đầu tiên giá trị về nhân quyền được khai sáng. Trước thái độ ngày một hiếu chiến của Trung hoa, giả sử không có Việt Nam, các nước đó sẽ tìm được tiếng nói chung trong các xung đột Biển Đông.
Ở đây cũng cần nhắc lại rằng, trên đà tiến công, miền Bắc Việt Nam với vị thế tự phong vì nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhiều lần đã lấn lướt trong cư xử với các nước thuộc mô hình Liên bang Đông Dương, từng làm cao đòi kẻ thù là Mỹ phải bồi thường chiến tranh, từng hung hăng với vài nước trong khu vực. Nhưng không chỉ có thế, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiều thập kỷ chịu đớn đau nỗi uất ức của người bị bán rẻ. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là quân tốt trong ván bài của Trung quốc trên hội nghị Géneve và Hòa đàm Paris. Sau chiến tranh, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam của đói rét xích xiềng bị cô lập khắp nơi khi người dân phải dựng ván đóng thuyền vùi thân biển cả. Người nữ ca sĩ nổi tiếng Joan Baez, hồ hởi hát bên mâm pháo cho các chiến sĩ Bắc Việt Nam mùa xuân năm nào, năm 1979 đốt nến dẫn đầu cuộc biểu tình gồm 12.000 người tới Nhà Trắng, đã viết thư ngỏ gửi chính quyền Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tố cáo sự vi phạm trắng trợn quyền tự do và phẩm giá con người, đăng trên năm nhật báo lớn của Mỹ.
Khi Liên Xô và khối XHCN Đông Âu sụp đổ, cơ hội hòa nhập vào thế giới dân chủ lần nữa lại đến với Việt Nam. Trung quốc đưa xe tăng tắm máu Thiên An Môn mang bộ mặt gớm ghiếc. Chính lúc đó, các lãnh đạo Việt Nam, vừa lấy được chút sinh khí Đổi Mới lại tìm đến Thành Đô cầu hòa. Con tốt tưởng đã sang sông quay đầu về xin đắc tội lầm đường lạc lối.
Như vậy ở thời điểm hiện tại, nhìn từ giác độ đồng minh xung quanh Mỹ, Trung quốc như một hư số khó đóan thì Việt Nam, khu xử kỳ cục với Trung hoa như vậy, là một ẩn số khó lường. Dẫu sao chủ sòng điên Trung quốc, dù lấy bất lường làm quy luật, luôn đi những nước cờ chủ động, bài bản. Còn Việt Nam, nói đúng ra là nhà cầm quyền Việt Nam hành xử bị động và lệ thuộc luôn ngẩn ngơ như một con tốt lú.
Thời thế của ưu lực tuyệt đối dành riêng cho Mỹ và phương Tây đã qua ở châu Á. Nhưng với sự trỗi dậy phá họai hòa bình của Trung hoa cộng sản, sự có mặt và vai trò lãnh đạo của Mỹ trong đồng minh ngăn cản chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa bá quyền Trung quốc, trong bối cảnh hiện thời, có thể vãn phải coi là phương sách thiết yếu duy nhất. Đương nhiên trong biến diễn thay đổi quyền lực ở châu Á, các nước chia nhau Biển Đông không thể bỏ qua Việt Nam. Ngay cựu kẻ thù của nhà nước Việt Nam hiện tại, thận trọng trong giao tiếp dần có những bước xúc tiến cùng Việt Nam tập trận, đặc biệt qua việc viếng thăm Hà Nội của nữ ngọai trưởng Hillary Clinton trong vai trò thuyết khách xin ghé qua hội kiến TBT Nguyễn Phú Trọng, đã gửi thông điệp nào đó đến chính quyền Hà Nội.
Một nước Mỹ, hậu thuẫn bởi Ấn Độ, Úc và nhiều quốc gia Asean v.v, tíêp tục dấn thân vì dân chủ, ổn định và hòa bình, tuy nhiên sẽ không chấp nhận một nhà nước độc đảng cai trị, đàn áp nhân quyền, tù đày những người con ưu tú của đất nước này (Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Lê Quốc Quân, Tạ Phong Tần, Trần Hùynh Duy Thức, Linh mục Nguyễn Văn Lý …) vì phúc họa của xứ sở này đã một lần lên tiếng.
Gần đây nhất chính vị Tổng Bí thư bảo thủ và giáo điều này đã lên đường thăm Liên Minh Châu Âu.
Mọi việc sẽ không trôi chảy, nếu Việt Nam của TBT Nguyễn Phú Trọng, từ lâu sập bẫy Trung quốc và luôn bị đòn roi Trung quốc, không trả lời cho rõ về vấn đề nhân quyền. Đến lúc nào đó chính quyền Hà Nội không thể coi việc cản trở cũng như tước đọat nhân quyền là giá để mà cả trong thương lượng theo chiều hướng: chà đạp càng nhiều lên nhân quyền thì giá mặc cả càng cao. Mỹ và Phương Tây còn có thể đợi gì khác hơn ngòai những giá trị như vậy nhằm xác lập điều ước đồng minh với các nước còn cố khước từ dân chủ. Nếu một lần nữa, nếu không bỏ qua chứng kiêu ngạo cộng sản luôn bề làm cao, Hà Nội sẽ lại đứng đường lơ ngơ như mất sổ gạo. Thật đáng lo khi gần đây Trung quốc thẳng thừng tuyên bố chuẩn bị chiến tranh và đã tiến hành diễn tập thâm nhập trong vùng rừng núi thuộc tỉnh Vân Nam nhằm tăng cường kỹ năng chiến đấu. Cuộc diễn tập này có đích là Việt Nam chứ không là nơi nào khác, chiến tranh sẽ bắt đầu bằng xâm lược Việt Nam.
Những tội ác gây đau khổ, đến một lúc nào đó không thể được biện hộ là sai phạm do giáo điều, chủ quan và ấu trĩ, nếu bên thắng cuộc không nhìn nhận lại hằng số sai phạm trong lịch sử để tổ chức hiện tại. Chỉ có quyết bước mạnh dạn vào thế giới dân chủ, và chỉ qua bước đó Việt Nam mới trở thành đối tác quan trọng tiềm năng.
Bởi thể chế đại nghị tôn trọng nhân quyền sẽ chế ngự tham nhũng, sẽ không bao giờ phải dồn tiền của quá mức chi phí cho an ninh trấn áp, vào việc sắm vũ khí dư thừa và điều này mới là quan trọng, không bắt nhân dân phải tiêu tốn sức lực cùng chống kẻ thù chiến lược. Trong thế bị o ép, xa lánh, việc xác định kẻ thù và đồng minh chiến lược sẽ là một hạ sách. Với cách xác định kẻ thù như vậy, chính quyền chỉ có thể chĩa ánh mắt tìm kẻ thù hướng vào nhân dân. Họach định kẻ thù và đồng minh chiến lược, xét cho cùng, hòan tòan thừa vì quốc sách này gây tai hại trong thế giới văn minh, nhất là khi Việt Nam, như các lãnh đạo Đảng tuyên bố, muốn làm bạn với mọi người. Quá khứ cách mạng đã cho biết ai là đồng chí, khi đánh nhau cho Trung quốc, Liên Xô, khi nuôi nấng lãnh đạo Khơ Me đỏ. Loay hoay xác định bạn thù đã đẩy Việt Nam vào thế bị cô lập, suy kiệt tới mức rất dễ tổn thương. Rủi ro là vì thế. Nếu không cẩn thận Việt Nam sẽ không thể là nhân tố ổn định, mà còn là yếu tố rủi ro cho hòa bình và bền vững Đông Nam châu Á. Một nhà nước kiến thiết theo hướng dân chủ sẽ tự điều chỉnh và hòan thiện chiến lựợc phát triển cho mình trong giao lưu với các quốc gia văn minh và thịnh vượng. Có nên để cho một mini-thiểu số kém về dân trí, khi dân, ghét trí thức đưa tiền đồ của dân tộc vào đánh cược cho những toan tính thiển cận, tù mù và ích kỷ . Lời tuyên bố của ông TBT trả lời phỏng vấn mới đây „Đảng vững mạnh thì dân tộc ta sẽ mãi trường tồn“, minh chứng cho não trạng đặt Đảng trên Dân tộc.
Sao ông Tổng Bí thư không chịu hiểu rằng sự tồn vong của Đảng không có nghĩa lý gì khi so sánh với sự tồn vong của Dân tộc. Sao ông không hiểu những Điều 4 và Điều 17-18 của Hiến pháp, và điều 88 của Bộ luật Hình sự, mới là mối đe dọa sự tồn vong của Đảng. Có thảo luận góp ý về Hiến pháp, cứ cho là không có điều gì cấm như ông Phan Trung Lý giảng giải, cũng nên theo hướng hủy bỏ những điều này sao cho tránh đổ vỡ, để hướng nội tạo cơ hội đề ra chế định đảm bảo cho sự tồn tại của Đảng bên các tổ chức đảng phái khác, và bảo vệ sinh mạng công dân, trong đó có các đảng viên nữa.
Để Việt Nam hướng ngọai thóat thế cô, đáng tin cậy trong một liên minh bảo tòan nền độc lập.
Và thôi là một yếu tố rủi ro cho nhân dân và cho các nước ở khu vực quanh mình.
©P.K.Đ
Nguồn: BVN
Blog Phạm Kỳ Đăng dành trang lớn giới thiệu các nhà thơ danh tiếng của nền văn chương Đức.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Làm gì đây với Pushkin
Marcel Reich-Ranicki Mới đây ông hứa nói cho chúng tôi nghe ít nhiều về Pushkin và Chekhov. Chúng tôi chờ đấy. Heinz Bode từ Leipzig ...
-
Georg Paul Hefty (1) Tranh của © Franz Marc (1880-1916), họa sĩ Biểu hiện Đức. Một tường thuật cảm xúc phác ra vào một buổi sáng đ...
-
Kurt Drawert Tranh của © August Macke (1887-1914), họa sĩ Đức Là một trong những bài thơ ngắn nhất của văn chương thế giớ...
-
Durs Grünbein Ngày hôm nay thơ thể ballad (1) xem như đã chết. Một trong những đại diện cuối cùng, hay nhất và gây tác động mạnh nhất...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét