Eva Zeller
Có gì đáng xem ở Budapest? Tất nhiên bức toàn cảnh thành phố
đẹp nhất châu Âu, ở đó, nơi Buda và Pest hội nhất về hai bờ của dòng sông
Danube. Sau nữa thật đáng để chiêm ngưỡng tám cây cầu, thành Lũy Vạn Chài, Nhà
thờ thánh Matthias, Vương miện thiêng liêng của triều đại Stephan. Tuy nhiên
„sự tham quan thành phố“ của Enzensberger đi ngược lại sự trông chờ phổ biến đó.
Sự tính đếm buồn như tụng kinh của những thứ được coi là đáng thăm thú, gợi nhớ
đến bài thơ sống vượt tình cảnh - bài thơ „Kiểm kê“ của Günter Eich (1) - :
„Đây là chiếc mũ mềm của tôi/ Này là chiếc áo bành tô của tôi/ Đây là đồ cạo
râu của tôi...“. Ba câu trong bài thơ của Enzensberger bắt đầu với „đây là“, ba
câu bắt đầu với « ở đây ». Không, Enzensberger không dựa dẫm vào Eich
(1); sự trình xuất tầm phào không sử dụng hình thức và sự vắng mặt của các tính
từ chỉ tạo ra một sự tinh giản tương tự như của Eich, và „Chuyến du quanh thành
phố“ cũng là bài thơ sống vượt tình cảnh vậy.
Xuyên suốt qua ba mươi ba câu thơ, tác giả giữ được sự thăng
bằng hiểm nghèo giữa bất ngờ và điểm xuyết. Dần dà và từng bước ông đẩy người
đọc vào điều không trù liệu được, nhưng cú sốc ngôn ngữ không được nâng lên
thành nguyên tắc định ra phong cách. Enzensberger đã quyết nghiêng về chừng mực.
Người tham gia chuyến du quanh này không được giải trí bằng những cái nhìn
thoáng lướt, nhiều hơn vậy, cái nghịch lý gây choáng ngợp nói lên trong một hơi
thở cái điều rất cách xa nhau về không gian và thời gian.
Những gì ở đây được chỉ ra giữa những hậu trường tuyệt tác,
mang tính lịch sử, và tàn phế chính là cái sân khấu vô lý của lịch sử, dung
tục, không ảo vọng, đối với sân khấu đó thực ra người ta thiếu ngôn từ để nói: “
Cái lưỡi ngập ngừng giữa những chiếc răng trẹo trọ“ như trong một bài thơ của
Zbigniew Herbert (2) từng viết. Enzensberger ngờ vực từ ngữ, và thế đó đặt cược
vào thụ cảm và cường độ của hình ảnh: đây...đó...kia... mà không được nhìn lướt
qua, không được quên cái này: những nhà thơ nghèo, những nhà thơ không mua
chuộc được, xưa ngồi trong các quán cà phê bên cạnh những viên mật vụ uống máu
từ những tách nhỏ; đường phố nơi hoàng đế thường dạo xe long mã...đại lộ
Gorki...Ban chấp hành trung ương; những nhà thơ giầu có, lầm bầm chửi; anh bạn
Sandór, trước thế chiến thế giới thứ 2 đã chào đời tại đó. (Sandór: có phải một
từ đồng nghĩa gọi những nhà thơ bị truy lùng ở đây cũng như nơi khác, những nhà
trí thức vĩnh viễn khó ưa, những người giữ một khoảng cách với quyền lực?).
Nhanh như chớp người đọc phải bổ sung rằng, vậy thì mình đã
bị đẩy vào tình cảnh nào. Như những tấm gương đặt sát lồng vào nhau trong pha
lê soi thấu lẫn nhau, hồi phản những ảnh hình sang chấn ở một thành phố, và mặc
cho số liệu nêu ra chuẩn xác về địa danh, thành phố này cũng hứng chịu cho
những kinh nghiệm nếm trải của người đời trong những thành phố khác, ở Warsaw,
Prague hay Santiago, ở Berlin trong những năm ba mươi và bốn mươi của thế kỷ.
Khói bốc lên, từ những xưởng đóng tầu, từ những lò sát sinh, „Bạn có nhìn thấy
khói không?“, hai lần câu hỏi dồn dập.“ khói cũ trên trời Budapest?“. Cuộc du
quanh thành phố như không có hồi kết. Người dự cuộc cảm thấy mình được hiệu
triệu tiếp diễn bài thơ một cách thầm lặng.
Bằng ấy chất liệu đặt trong ít khổ dễ dẫn tới sính chất
liệu, nếu như tất cả không được nói trong khi đi ngang qua, nói xen lề: trong
khi đọc to lên người ta không cần phải nâng cao giọng. Sự khổ công viết như
không trông thấy; tiềm năng nghệ thuật không bị phung phí qua việc quá nhấn nhá
vào những ý định chính trị. Không có gì trượt xuống vở khuôn mẫu cả. Nhưng
không thể tránh là cú đổ bất thình lình xuống thực tế hiển nhiên: lịch sử là
nhà trưng bầy.
©Phạm Kỳ Đăng dịch
Nguồn: Hundert Gedichte des Jahrhunderts. Mit Interpretationen. Ausgewählt von Marcel Reich-Ranicki, Insel Verlag Frankfurt am Main und Leipzig 2000, (Một trăm bài thơ thế kỷ kèm bình giảng. Marcel Reich-Ranicki tuyển chọn, Nhà xuất bản Insel Verlag Frankfurt am Main và Leipzig 2000).
Chuyến du quanh thành phố
Hans Magnus Enzensberger
Chỗ đó bên kia, người đánh giầy
ngồi cúm rúm, không còn cần giầy nữa
bởi lẽ hai đùi ông thối rữa,
trong vùng Viễn Đông, trước đó đã lâu.
Đó khói lên từ những xưởng đóng tàu.
Quán cà phê này xưa kia đen đúa
những người bán hàng rong và thi sĩ nghèo.
Mật vụ như muỗi, họ ngồi đó
Uống máu từ những chén bé teo.
Ở đây có gái nuột nà đổi
bằng ngoại tệ, kim tiền.
Đá lát đường bật xới tung lên
Nơi dạo đó xe tăng đứng gác.
Ở đó cứ vào mùa hạ
Hoàng đế thường ngồi dạo xe đi
Đường Lâm Thành, nay đại lộ Gorki
Ban chấp hành trung ương ở đó
Đấy là khói từ những lò mổ.
Nơi đây trước thế chiến đệ Nhị
Anh bạn tôi Sandór sinh ra
ở trên lầu gác phồn hoa,
nơi đêm lẫn ngày tăm tối.
Bạn có nhìn thấy khói ?
Cây cầu này hoàn toàn bị phá hủy
Nơi đây các nhà thơ giầu có uống chè,
họ chửi lè nhè
và khách sạn mới Hilton đang xây ở đó.
Trên ghế băng công viên đây vẹo vọ
đôi khi ngồi đó một cụ già,
Điều chí lý cụ thư thoảng nói ra
Hôm nay cụ không còn lui tới.
Nhưng mà khói. Bạn có nhìn thấy khói,
Trên trời Budapest khói xưa ?
© Phạm Kỳ Đăng dịch
từ nguyên tác tiếng Đức:
Stadtrundfahrt
Hans Magnus Enzensberger
Da drüben kauert der Schuhputzer,
der keine Schuhe mehr braucht;
denn seine Beine sind verfault
im Fernen Osten vor langer Zeit
Das ist der Rauch von den Werften.
Dieses Café war früher ganz schwarz
von Hausierern und armen Dichtern.
Spitzel wie Mücken saßen dort
und tranken aus kleinen Tassen Blut.
Hier gibt es weiche Mädchen
gegen harte Devisen.
Das Pflaster ist aufgerissen
Dort standen damals die Panzer.
Da ist im Sommer immer
der Kaiser spazierengefahren
Stadtwäldchenallee, heute Gorkij fasor
Das ist das Zentralkomittee.
Das ist der Rauch von den Schlachthöfen.
Hier ist mein Freud Sandór geboren
vor dem Zweiten Weltkrieg,
in der Beletage,
wo es Tag und Nacht dunkel war.
Siehst du den Rauch?
Diese Brücke war ganz zerstört.
Hier trinken die reichen Dichter Tee
und schimpfen leise,
und dort wird das neue Hilton gebaut.
Auf dieser wackligen Parkbank
sitzt manchmal ein alter Mann,
der manchmal die Wahrheit sagt
Heute ist er nicht da.
Aber der Rauch. Siehst du den Rauch,
den alten Rauch über Budapest?
Chú thích của người dịch :
Hans Magnus Enzensberger (sinh năm 1929): Nhà thơ, nhà văn, nhà xuất bản, dịch giả và biên tập viên Đức * Nghiên cứu Ngữ văn, Ngôn ngữ và Triết học * Tham gia vào Nhóm 47* Nhận các Giải thưởng Phê bình Đức (1962), Giải thưởng Georg-Büchner (1963), Giải thưởng Heinrich-Böll (1985), Giải thưởng Heinrich-Heine (1998) và Premio d’Annunzio (2006) cho toàn bộ tác phẩm. Ông thuộc về những nhà thơ và nhà tiểu luận hàng đầu của nước Đức sau chiến tranh. Ghi dấu ấn vào các cuộc thảo luận chính trị của những năm 60, cũng như Günter Gras và Jürgen Habermas, tiếng nói của ông luôn gây được tiếng vang ngoài phạm vi nước Đức.
Eva Zeller (sinh năm 1923): Nữ nhà văn và nhà thơ, bà là viện sĩ, từng là Phó chủ tịch Viện hàn lâm Ngôn ngữ và Thi ca Đức.
(1) Günter Eich (1907-1972): Nhà thơ và nhà viết kịch truyền thanh Đức, được coi là đại diện của nền « văn học hoang tàn » sau chiến tranh, và người sáng tạo ra kịch truyền thanh trữ tình.
(2) Zbigniew Herbert (1924-1998): Nhà thơ, nhà viết kịch và tiểu luận Ba lan.
Nguồn: VHNA